Triển khai Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2021 – 2025
Ngày 06/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2021 – 2025, cụ thể:
1. Đối với giai đoạn 2018 – 2020
Quan điểm, nguyên tắc chung như sau:
- Tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được ký kết.
- Tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt (dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính), sẽ giải ngân sau 2020 để đảm bảo sự liên tục, không bị sụt giảm đột ngột vốn đầu tư phát triển giai đoạn sau năm 2020. Tuy nhiên cần phải sàng lọc, lựa chọn các dự án tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.
- Tập trung sử dụng vốn vay vào một số lĩnh vực chủ chốt, các công trình trọng điểm thực sự quan trọng, có tác dụng lan tỏa, có tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng, miền và cần thẩm định, đánh giá dự án một cách chặt chẽ, khách quan, minh bạch để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài.
- Tranh thủ, tận dụng vốn ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương trong giai đoạn 2018 – 2020. Đối với nguồn vốn vay ưu đãi IBRD của Ngân hàng Thế giới (WB), ORC của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tiếp tục huy động và sử dụng cho phát triển choc ơ sở hạ tầng. Việc huy động và sử dụng cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách nhà nước; xem xét, đánh giá tác động đến giai đoạn sau 2021 – 2025 để đảm bảo định hướng giảm dần bội chi, nợ công, chủ trương tái cơ cấu đầu tư công theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và khả năng cân đối nguồn trả nợ của các cấp ngân sách.
- Chi sử dụng vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực/ dự án mà vốn đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư không do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư kiểm soát và và quản lý giá nhằm tạo thuận lợi phát triển các ngành kinh tế khác như cảng sông, cảng biển,… Khuyến khích tư nhân tham gia cùng nhà nước đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.
- Nghiên cứu áp dụng cơ chế để doanh nghiệp vay vốn của WB, ADB và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác không cần bảo lãnh của Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án, lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu.
- Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
2. Đối với giai đoạn 2021 – 2025
Quan điểm chỉ đạo trong định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 – 2025 như sau:
- Tránh sự cắt giảm đột ngột vốn vay nước ngoài: Vốn vay nước ngoài tạo nguồn cung ngoại tệ, cải thiện cán cân thanh toán quốc gia, đáp ứng nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng hóa đầu tư của đất nước. Để đảm bảo nguồn tài chính cho đầu tư phát triển không bị gián đoạn, tránh rủi ro cho cán cân thanh toán khi sự việc sụt giảm khoản vay mới diễn ra đồng thời với gia tăng chi trả nợ, Chính phủ cần có chiến lược duy trì quan hệ với nhiều đối tác, tổ chức tài trợ, Chính phủ cần có chiến lược duy trì quan hệ với nhiều đối tác, tổ chức tài trợ, tránh dừng tất cả các khoản vay nước ngoài cùng một thời điểm.
- Bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách cũng như khả năng trả nợ trong tương lai.
- Sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dựa án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.
- Ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có kahr năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung hạn và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia, ví dụ: các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng (giao thông, đô thị văn minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo,…), phát triển nông nghiệp thông minh (thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điện khí hóa nông nghiệp…), kích thích các ngành hoặc hoạt động xuất khẩu, các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
- Ưu tiên các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.
- Ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi như là đòn bẫy, thúc đẩy, thu hút đầu tư tư nhân, không sử dụng vốn vay nước ngoài cho các dự án mà tư nhân quan tâm, có khả năng thực hiện với công nghệ hiệu quả và chi phí thấp hơn.
- Sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân. Giảm dần tỷ trọng vốn vay nước ngoài trong tổng mức đầu tư dự án.
- Ưu tiên vay về cho vay lại đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn.
Trên cơ sở đó, triển khai đến các Sở, Ban, Ngành, các huyện, thị xã và thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vống ODA, vốn vay ưu đãi; đồngthời làm cơ sở để xây dựng các chương trình, dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn vay ODA, ưu đãi và các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển giai đoạn tới.
Tải nội dung chi tiết tại đây: Quyết định số 1489/QĐ-TTg (ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ)