I. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NĂM 2014
1. Tình hình cấp GCNĐT
1.1. Tình hình cấp GCNĐT
a. Tình hình cấp GCNĐT
Trong quý IV/2014 và lũy kết cả năm 2014, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 01 dự án Nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc của công ty TNHH 1 TV PINETREE (Hàn Quốc), với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD.
b. Đánh giá
Mặc dù, trong thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nhằm đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào tỉnh, tuy nhiên, qua số liệu năm 2014, thấy rằng việc thu hút các dự án FDI của tỉnh Bạc Liêu trong năm còn nhiều hạn chế, số lượng dự án được cấp GCNĐT mới còn khiêm tốn so với các tỉnh thành trong khu vực. Nguyên nhân chính là do tỉnh Bạc Liêu là tỉnh cách xa các khu kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều yếu kém.
1.2. Tình hình điều chỉnh GCNĐT
a. Tình hình cấp điều chỉnh GCNĐT
Trong năm 2014, tỉnh Bạc Liêu cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 05 dự án.
b. Đánh giá
Việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư chủ yếu là điều chỉnh thông tin đăng ký kinh doanh như: thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi người đại diện theo pháp luật, hiệu đính thông tin, …
1.3. Tình hình thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư
Trong năm 2014, tỉnh Bạc Liêu không thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh.
2. Tình hình triển khai thực hiện dự án
2.1. Vốn thực hiện
Các doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh đa phần đã thực hiện xong phần vốn đăng ký, đến nay các doanh nghiệp FDI đã triển khai thực hiện khoảng 60 triệu USD trên tổng số 67,1 triệu USD đăng ký; phần vốn đăng ký còn lại chưa giải ngân là của các dự án chưa triển khai thực hiện. Trong năm 2014, các doanh nghiệp FDI chưa tiến hành giải ngân vốn.
2.2. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh
- Tính đến thời điểm 15/12/2014, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu vẫn là nuôi trồng và chế biến suất khẩu thuỷ sản (08 dự án), chiếm 47% tổng dự án đầu tư nước ngoài toàn tỉnh; tổng vốn đầu tư đăng ký là 67,1 triệu USD. Đa phần các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI quý IV/2014 là 4,357 triệu USD, nâng lũy kế năm 2014 lên 55,8 triệu USD; số lao động năm 2014 là 3.457 lao động; nộp ngân sách năm 2014 là 936 ngàn USD.
- Tuy nhiên, trong 17 doanh nghiệp FDI, hiện vẫn còn 02 doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động (Công ty TNHH Sản xuất –Dịch vụ-Thương mại Hiệp Nguyên, Công ty TNHH 1 thành viên Thương mại – Dịch vụ Ngọc Duyên) và 01 dự án đã ngừng hoạt động (Công ty TNHH Quảng Hoằng); Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản để xuất UBND tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với 03 doanh nghiệp này.
2.3. Các khó khăn vướng mắc và nguyên nhân
a. Đối với hoạt động của các doanh nghiệp FDI
- Đa phần các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít thường dưới 10 triệu USD, trình độ công nghệ kỹ thuật lạc hậu chưa theo kịp trình độ công nghệ của các nước trên thế giới, nguồn nhân lực yếu về trình độ lẫn kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh hạn chế…
- Tình hình triển khai thực hiện một số dự án FDI còn chậm, một số dự án không đảm bảo tiến độ đã đề ra, thiếu vốn đầu tư do khó khăn kinh tế chung.
- Phần lớn các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực, chế biến, nuôi trồng thủy sản, vì thế trong những năm qua các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt, tình hình xuất khẩu đang chựng lại, do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế thế giới, tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư.
b. Đối với công tác quản lý nhà nước
- Về thủ tục hành chính, mặc dù trong thời gian qua đã được các cấp các ngành triển khai quyết liệt thực hiện việc cải cách, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kể, tuy nhiên thủ tục hành chính vẫn còn tương đối phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài (thủ tục về cấp phép đầu tư, thuê đất, thuế…).
- Công tác báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI chưa thực hiện tốt.
- Công tác hậu kiểm triển khai thực hiện chưa thường xuyên, nguyên nhân là do thiếu nhân lực.
c. Một số hạn chế khác
- Hiện chưa xác định được cụ thể về vị trí, thị phần, tỷ lệ tham gia của nguồn vốn FDI trong các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm của tỉnh.
- Tỉnh Bạc Liêu là tỉnh cách xa các khu kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn rất yếu kém, đây là nguyên dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
- Kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư còn hạn chế nên chưa tổ chức hoặc tham gia các chương trình, đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các quốc gia, đối tác lớn, có tiềm năng đầu tư.
II. KẾ HOẠCH NĂM 2015
1. Định hướng năm 2015
Năm 2015, tỉnh tiếp tục thu hút FDI vào phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản hướng vào xuất khẩu; công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp đặc biệt là công nghiệp sau thu hoạch và bảo quản; dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản.
Định hướng trong năm 2015 tỉnh sẽ tập trung thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực sau:
- Về sản phẩm công nghiệp, thu hút FDI được hướng vào những sản phẩm chiến lược như: gạo thương phẩm, muối chất lượng cao.
- Về công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, đây là một trong những ngành thế mạnh của tỉnh trong Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như đối với cả nước. Tuy nhiên nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến hiện nay chất lượng còn thấp, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh công. Vốn FDI được thu hút sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ tinh chế gắn liền với hệ thống kho lạnh chuyên dùng, hệ thống vệ sinh công nghiệp, vận tải ngoại thương, xây dựng các nhà máy chế biến hiện đại có công suất lớn.
- Lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản, tỉnh Bạc Liêu là tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là vùng có vị trí rất quan trọng so với cả nước trong lĩnh vực này. Do đặc điểm kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nên lĩnh vực này ít thu hút được vốn FDI. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực này tại tỉnh. Vì vậy tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút vào lĩnh vực này, tuy nhiên theo định hướng phát triển thủy sản hướng đến 2020 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn FDI cho phát triển vùng nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ; xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; đa dạng sản phẩm thủy sản đồng thời phát triển một số loại sản phẩm chủ lực mang tính chất đặc trưng của Bạc Liêu, có giá trị, sức cạnh tranh cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu (như tôm, cua, cá bóng tượng, sò huyết, nghêu...).
- Về ngành công nghiệp khác, tỉnh sẽ thu hút vốn FDI vào một số dự án lớn đòi hỏi kỹ thuật cao và vốn đầu tư lớn tập trung tại các khu công nghiệp như: khu công nghiệp Trà Kha, Láng Trâm.
2. Một số giải pháp thực hiện
- Đẩy mạnh công tác quy hoạch, rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, nhất là: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, các huyện, thành phố đến năm 2020; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, …
- Đẩy mạnh hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư; chỉ đạo, theo dõi việc vận hành quy trình TCVN ISO 9001:2008 tại cơ quan đầu mối về cấp Giấy chứng nhận đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực này.
- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp về hướng dẫn, xử lý thủ tục đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư tỉnh Bạc Liêu (Quyết định 17/2013/QĐ-UBND ngày 19/8/2013). Cập nhật, bổ sung kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện công khai, minh bạch thủ tục đầu tư nhằm tăng cường tính hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính;
- Rà soát, cập nhật và công bố danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài với các thông tin cụ thể đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cổng thông tin của tỉnh để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư.
- Tăng cường các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, làm nền tảng thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sức hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Tổ chức rà soát các dự án đầu tư nước ngoài đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Triển khai các biện pháp tăng cường công tác hậu kiểm nhằm nắm sát thực tế tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài./.
Nguồn Phòng HTĐT-Sở KHĐT (CL)