Trên cơ sở văn bản số 186/SNgV-VP ngày 17/10/2016 của Sở Ngoại vụ về việc đề nghị báo cáo công tác đối ngoại năm 2016 và dự kiến kế hoạch công tác đối ngoại năm 2017; Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo như sau:
I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NĂM 2016
1.Tình hình thu hút nguồn vốn ODA, FDI, NGO
a) Đối với lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Trong năm 2016, tỉnh chưa vận động thu hút được dự án nào sử dụng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, tỉnh đang hoàn chỉnh thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt đề xuất danh mục dự án nâng cấp và phát triển đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Bạc Liêu, sử dụng nguồn vốn WB.
b) Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI)
Trong năm 2016, tỉnh không cấp mới quyết định chủ trương đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; không thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu vẫn là nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; tổng vốn đầu tư đăng ký là 72,40 triệu USD. Các dự án đầu tư đều nằm ngoài khu, cụm công nghiệp.
c) Đối với hoạt động viện trợ phi chính phủ (NGO):
Trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản tiếp nhận dự án “Phát triển chuổi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu AC tài trợ cho tổ chức ICAFIS và tổ chức OXFAM, tổng vốn dự án là 2,501 triệu EUR.
2.Tình hình triển khai các dự án
a) Đối với lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Theo quyết định 186/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh về việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu và vốn ODA – kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016, thì trong năm 2016 có 05 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 sang, trong đó có 04 dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, 01 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi. Tình hình thực hiện các dự án như sau:
- 04 dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: theo kế hoạch phân bổ vốn ODA năm 2016 cho 04 dự án là 129,204 tỷ đồng, hiện tại chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã giải ngân 75,742 tỷ đồng chiếm 58,6 % theo kế hoạch năm được phê duyệt.
- 01 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi (Dự án thủy lợi Đông Nàng Rền), lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 145,842 tỷ đồng, trong đó vốn ODA đã giải ngân được 84,886 tỷ đồng chiếm 56,76% tổng vốn ODA, vốn đối ứng đã giải ngân được 60,956 tỷ đồng chiếm 80,06% tổng vốn đối ứng.
b) Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI)
Các doanh nghiệp FDI lớn của tỉnh đa phần đã thực hiện xong phần vốn đăng ký. Hiện nay còn một số doanh nghiệp FDI đăng ký thực hiện dự án nhưng quá thời gian quy định vẫn chưa triển khai thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn chỉnh thủ tục trình UBND tỉnh xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI này.
Nhìn chung các doanh nghiệp FDI của tỉnh trong thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối ổn định và có hướng phát triển khá. Theo báo cáo của các doanh nghiệp doanh thu của các doanh nghiệp FDI, trong năm 2016, ước đạt 38,99 triệu USD, nộp ngân sách trong năm 2016 là 520 ngàn USD (theo số liệu báo cáo qúy III/2016).
4. Những khó khăn, vướng mắc
a) Đối với lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Công tác vận động thu hút vốn ODA của tỉnh mang lại kết quả chưa cao và còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Hạn chế đầu tiên là việc thụ động trong công tác vận động thu hút nguồn vốn ODA của tỉnh, chưa chủ động tổ chức vận động ODA độc lập, riêng lẻ với các Nhà tài trợ. Đội ngũ cán bộ làm công tác thu hút vận động vốn ODA của tỉnh không chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm; sự nắm bắt và trao đổi thông tin với các Bộ, ngành của Trung ương còn chậm đây cũng là một hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến việc tranh thủ thu hút nguồn vốn ODA đầu tư vào tỉnh.
Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA của các dự án chưa cao so kế hoạch năm được duyệt; công tác theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án còn hạn chế; việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, nhất là công tác theo dõi, báo cáo.
b) Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI)
- Tỉnh Bạc Liêu là tỉnh cách xa các khu kinh tế trọng điểm, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất yếu kém, đây là nguyên dẫn đến việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Bạc Liêu rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho các tỉnh nghèo (như hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các chính sách ưu đãi về thuế, về đất,… và các chính sách hỗ trợ đầu tư khác) để có thể cải thiện môi trường thu hút đầu tư của tỉnh, tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong việc việc vận động thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nguồn vốn FDI.
- Đa phần doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế và không đồng bộ, do đó việc áp dụng hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
- Công tác hậu kiểm triển khai thực hiện chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp liên ngành.
c) Đối với hoạt động viện trợ phi chính phủ (NGO): thời gian qua, Bạc Liêu có rất ít dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đến tìm hiểu và viện trợ, điều này cho thấy hiệu quả thu hút nguồn vốn NGO trên địa bàn tỉnh chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do vị trí địa lý của tỉnh, và một phần là do tỉnh còn thiếu những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thu hút nguồn vốn này. Thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác vận động, thu hút, cũng như quản lý và thực hiện khoản viện trợ.
5. Hướng giải quyết
a) Đối với lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan (nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản) nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA.
- Đảm bảo bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA.
- Tăng cường công tác thông tin trao đổi với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ thu hút các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, cũng như kịp thời kiến nghị đến Trung ương các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực thực hiện để xin ý kiến chỉ đạo.
- Giám sát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn ODA; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án ODA.
- Xây dựng các danh mục dự án ưu kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ ODA, NGO với các thông tin cụ thể về mục tiêu, quy hoạch đất, địa điểm, giá đất, thế mạnh, nhu cầu của tỉnh… để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư, viện trợ.
b) Đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI)
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư; hoàn chỉnh quy chế phối hợp liên ngành về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng làm nền tảng thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh.
- Củng cố, bổ sung đủ nhân lực cho bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên ngành trong công tác quản lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Cập nhật, bổ sung kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện công khai, minh bạch thủ tục đầu tư nhằm tăng cường tính hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn bộ máy làm việc trong quan hệ, tiếp xúc, giải quyết công việc và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các nhà đầu tư.
- Phát huy và tận dụng mọi nguồn lực sẵn có trong địa bàn tỉnh, chủ động tìm kiếm đối tác để đầu tư vào những dự án đã được xác lập.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sức hấp dẫn ban đầu cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Xây dựng các danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài với các thông tin cụ thể về mục tiêu, quy hoạch đất, địa điểm, giá đất, thế mạnh của tỉnh… đăng tải trên Cổng thông tin của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, để làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình vận động đầu tư.
- Tổ chức rà soát các dự án đầu tư nước ngoài đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Có biện pháp chấn chỉnh, và quan tâm hơn công tác hậu kiểm nhằm nắm sát thực tế tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp.
c) Đối với hoạt động viện trợ phi chính phủ (NGO)
- Trong thời gian tới, các ban, ngành đoàn thể sẽ chủ động, tích cực liên hệ với các Bộ, ngành Trung ương để có điều kiện tiếp cận với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động viện trợ các dự án tỉnh đang có nhu cầu.
- Sở chủ động, phối hợp cùng Sở Ngoại vụ và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các danh mục dự án kêu gọi tài trợ trên địa bàn tỉnh để thông tin đến các tổ chức phi chính phủ cũng như Uỷ ban công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài được biết và có dự án tài trợ cho tỉnh.
- Ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác vận động, thu hút, cũng như quản lý và thực hiện khoản viện trợ.
II. DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NĂM 2017
Trong năm 2017, chương trình hoạt động đối ngoại của Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung những nội dung sau:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan xây dựng các văn kiện chương trình, dự án (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) để thu hút nguồn vốn ODA cho tỉnh. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ xây dựng khoảng 03 văn kiện chương trình, dự án.
2. Xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 của tỉnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua và trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.
3. Tiếp tục công tác tham mưu cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.
4. Rà soát các dự án FDI không triển khai thực hiện kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
5. Tiếp tục triển khai hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài quốc gia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
6. Tiếp tục tiến hành rà soát và xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định pháp luật mới có hiệu lực.
7. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, căn cứ các quy định của Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn, tiến hành xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp thực hiện thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thay thế Quy chế phối hợp được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 19/8/2013 của UBND tỉnh Bạc Liêu./.
Phòng HTĐT